Sáng ngày 02/10, Trường ĐH Thành Đô tổ chức chương trình tuyên truyền giáo dục chuyên đề “Bác Hồ với sinh viên”, mang đến nhiều thông tin hữu ích thông qua các câu chuyện trong quá khứ và sự liên hệ kiến thức mật thiết gắn với những triết lý giáo dục và giá trị sống tốt đẹp, gắn liền với hoạt động thực tiễn hiện nay.
TS. Nguyễn Thuý Vân mở đầu chương trình với những nội dung trọng tâm của buổi giáo dục tuyên truyền hôm nay cũng như triết lý giáo dục và quan điểm xây dựng chương trình của nhà trường. Nhấn mạnh tầm quan trọng của các buổi tuyên truyền, giáo dục chuyên đề đối với mục tiêu học tập, rèn luyện của sinh viên, cán bộ, giảng viên nhà trường.
Thông qua 02 nội dung trọng tâm được trình bày tại chương trình, TS. Nguyễn Mạnh Hùng đã lần lượt giải nghĩa từng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sinh viên Việt Nam cũng như liên hệ các tư tưởng, quan điểm ấy với thực tiễn. Thông qua đó, giúp sinh viên hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc học tập, làm việc theo tấm gương đạo đức, tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh và vai trò của thế hệ trẻ trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Chia sẻ đến sinh viên những câu chuyện về Bác Hồ, phân tích bài phát biểu của Bác tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II Hội Liên hiệp Sinh viên Việt Nam và những lời dạy của Bác với thanh thiếu niên, sinh viên Việt Nam, những nội dung trong chương trình được cụ thể hoá và tiếp cận một cách dễ hiểu, nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Trích dẫn những câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh, TS. Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh Bác luôn dành cho các thế hệ trẻ Việt Nam niềm tin mãnh liệt và tình yêu thương bao la, sâu sắc nhất. Người khẳng định: “Thanh niên là chủ nhân tương lai của nước nhà…”. Chính vì thế, việc chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ luôn là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của toàn xã hội, “muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có những con người xã hội chủ nghĩa, tức là phải có những người có đạo đức xã hội chủ nghĩa”.
Đặc biệt, Thầy nhấn mạnh những quan điểm của Bác về việc học: Học để làm gì? Học như thế nào? Học để phục vụ ai?… Trong quan điểm của Bác, việc học từ các lớp dạy nghề, học từ kinh nghiệm cuộc sống, từ người đi trước, tự học… để nâng cao lối sống tích cực, trau dồi kỹ năng nghề nghiệp để ứng dụng được kiến thức vào lao động sản xuất và làm ăn kinh tế nhằm làm giàu cho bản thân cũng như xã hội. Bác cũng luôn lưu ý học sinh, sinh viên rằng, để việc học tập thành công và trở nên hữu ích thì học phải đi đôi với hành, lý thuyết phải đi cùng thực tiễn. Bác nói: “Chỉ biết lý thuyết mà không biết thực hành thì cũng là trí thức có một nửa, “lý luận phải gắn liền với thực tế”.
Ngoài việc học tập, trau dồi kiến thức, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn căn dặn thế hệ trẻ phải thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức, lối sống. Bác nhấn mạnh: “Có tài mà không có đức là người vô dụng”. “Đức” – ở đây như Bác nói là đạo đức, đạo lý làm người mà với thời đại chúng ta, Bác yêu cầu rèn luyện để có đạo đức cách mạng.
Một nội dung quan trọng khác trong chương trình được Tiến sĩ nhấn mạnh là mối liên hệ giữa thực tiễn và lý luận, thông qua lý luận, nắm vững tinh thần, tư tưởng, triết lý giáo dục, để ứng dụng vào hoạt động học tập, rèn luyện của sinh viên, sống có mục tiêu và tránh các thế lực thù địch tác động đến thanh thiếu niên, sinh viên Việt Nam. Hiện nay với tác động mạnh mẽ của xu hướng toàn cầu hoá, sự gia tăng của các thế lực thù địch và các thủ đoạn ngày càng tinh vi, tập trung hướng mũi nhọn vào thế hệ thanh thiếu niên, sinh viên Việt Nam. TS. Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ những quan điểm, biểu hiện và lấy dẫn chứng chi tiết về hoạt động, các hình thức núp bóng của các tổ chức chống phá cách mạng và các thủ đoạn tinh vi của thế lực thù địch nhằm vào đối tượng mục tiêu – thế hệ trẻ Việt Nam.
Sự kiện tuyên truyền, giáo dục “Bác Hồ với sinh viên” không chỉ là dịp để ôn lại những tư tưởng cao quý của Bác, niềm tin yêu của Bác dành cho thế hệ trẻ mà còn là cơ hội để mỗi Thadoer suy ngẫm, định hướng con đường phía trước, phấn đấu học tập và rèn luyện, cống hiến, làm rạng danh dân tộc Việt Nam vươn ra năm châu. Đồng thời nhận thức rõ về quyền và trách nhiệm, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ độc lập, hoà bình dân tộc.
Những nội dung được chia sẻ tại buổi tuyên truyền giáo dục đã mang đến những thông tin hữu ích nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền giáo dục sâu rộng trong toàn thể Cán bộ, Giảng viên và Sinh viên trường Đại học Thành Đô.
Trường Đại học Thành Đô
Địa chỉ:
- Km15, Quốc lộ 32, Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội.
- Số 8, Kiều Mai, Phú Diễn, Nam Từ Liêm, Hà Nội
Hotline: 0934 07 8668 – 0243 386 1601
Website: https://thanhdo.edu.vn/